Khi đi đến Thủ đô Hà Nội, chúng ta không thể bỏ qua vẻ đẹp linh thiêng của những ngôi chùa và đặc biệt là chùa Trấn Quốc Hồ Tây. Vậy chùa Trấn Quốc nằm ở đâu và có những công trình kiến trúc độc đáo nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
I. Chùa Trấn Quốc ở đâu?
Chùa Trấn Quốc nằm trên Đường Thanh Niên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Với vị trí ở phía đông Hồ Tây; chùa Trấn Quốc có tuổi đời hơn 1500 năm là một ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất Việt Nam. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo của Thăng Long dưới thời Lý – Trần. Với những giá trị to lớn về lịch sử và kiến trúc, chùa nổi tiếng là chốn cửa Phật; là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử trong và ngoài Việt Nam.
Chùa Trấn Quốc giờ đây trở thành khu du lịch tâm linh hấp dẫn của thủ đô; thu hút rất đông khách du lịch tới thăm quan và lễ bái mỗi năm. Và đặc biệt hơn cả, vào năm 2016; chùa Trấn Quốc đã lọt vào danh sách top 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn.
II. Lịch sử chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc được xây dựng vào năm 541 với tên lúc đầu là chùa Khai Quốc, thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm ở gần bờ sông Hồng, bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời của vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào bên trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Vào khoảng thế kỷ 17, chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa được đổi tên thành chùa Trấn Quốc Hồ Tây vào đời vua Lê Hy Tông (1681 – 1705) với mong muốn đây sẽ là nơi giúp người dân xua đi thiên tai và đem lại cuộc sống bình yên cho nhân loại. Cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay.
Thời xưa, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long, được các vua Lý, Trần vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào các dịp lễ, Tết. Bởi vậy mà chùa có nhiều cung điện được xây dựng phục vụ việc nghỉ ngơi của vua như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.
III. Kiến trúc chùa Trấn Quốc
1. Vị trí xây dựng chùa Trấn Quốc
Chùa được tọa lạc trên một hòn đảo của một hồ nước ngọt lớn nhất Hà Nội – Hồ Tây, nép mình trầm mặc cùng con đường Thanh Niên tấp nập. Vào thời Hai Bà Trưng, khu vực xung quanh Hồ Tây có dân cư thưa thớt, rừng cây bao phủ các hang động vừa và nhỏ.
Trải qua thời gian hàng nghìn năm, cảnh quan nơi đây được đổi khác hoàn toàn. Hiện nay, kiến trúc của chùa là kết quả của đợt trùng tu năm 1815. Bởi ngôi chùa được xây dựng từ lâu, diện mạo có nhiều thay đổi. Tổng diện tích của chùa khoảng hơn 3000m2. Bao gồm các vườn tháp, nhà tổ và thượng điện. Bờ hồ có đường lớn và có các công trình hiện đại bao quanh. Một mặt những công trình đó giúp hoàn thiện tổng thể kiến trúc của thành phố. Nhưng mặt khác nó lại phá vỡ cảnh quan lịch sử, tâm linh của một số người bản địa.
Tìm hiểu thêm về những Chùa Phật giáo khác ở Việt Nam:
>> Chùa Vĩnh Nghiêm: Lịch sử, cấu trúc độc đáo và 6 ý nghĩa bất diệt làm nên tên tuổi
>> Lễ hội chùa Hương: Nguồn gốc, ý nghĩa đặc trưng ít ai biết
>> Chùa Ba Vàng: Bí ẩn, sự thật ít ai biết về ngôi chùa tâm linh này
2. Nguyên tắc kiến trúc của chùa Trấn Quốc Hồ Tây
Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, có kết cấu và kiến trúc theo nguyên tắc của Phật Giáo gồm 3 ngôi chính. Gồm Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện nối với nhau thành hình chữ Công (工). Nhà Tiền đường có hướng về phía Tây, ở phía sau có nhà Tam bảo. Hai dãy hành lang nằm ở hai bên nhà thiêu hương và Thượng điện. Phía sau của ngôi Thượng điện là gác chuông nằm phía trên trục sảnh đường chính. Với kiến trúc ba gian có mái chồng diêm. Bên phải của chùa là nhà tổ và bên trái là nhà bia.
Hiện nay trong chùa đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia có khắc vào năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.
3. Tham quan chùa Trấn Quốc Hà Nội
Năm 1998, ngôi Bảo Tháp lục độ đài sen được xây dựng và hoàn thành khu vườn tháp của chùa năm 2003. Ngôi Bảo Tháp có chiều cao 15m, gồm 11 tầng. Mỗi tầng tháp có đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý màu trắng trong mỗi ô cửa hình vòm. Đặc biệt hơn, ở phía trên đỉnh có một tháp sen 9 tầng (Cửu phẩm liên hoa) được tạc bằng đá quý. Tạo nên vẻ đẹp uy nghi, linh thiêng nhưng lại rất mềm mại của ngôi chùa. Bảo Tháp được dựng đối xứng với cây bồ đề., do Tổng thống Ấn Độ tặng năm 1959 trong chuyến đến thăm thủ đô Hà Nội của ông. Cây bồ đề này được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi mà Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ.
Hiện nay, chùa Trấn Quốc Hồ Tây còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong số đó, nổi bật nhất là bức tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được làm từ gỗ, sơn son thiếp vàng, là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.
Trên đây là vị trí địa lý, lịch sử cùng với những kiến trúc độc đáo của chùa Trấn Quốc. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại cho chúng tôi ở phía dưới phần bình luận. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm.
Xem thêm: Chùa Ngọc Hoàng: 3 Bí ẩn thiêng liêng giữa lòng Sài Gòn
Xem thêm: Tiểu sử thầy Thích Pháp Hòa – “Kho tàng sống” về ngôn ngữ và kinh kệ