Đông y hay còn gọi là Y học cổ truyền là nền y học cổ xưa, được hình thành ở phương Đông từ ngàn đời nay. Nhờ những bài thuốc Đông y mà con người đã phòng ngừa và chữa bệnh trong suốt thời kỳ lịch sử lâu dài từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên hiện nay, có lẽ do sự du nhập mạnh mẽ của nền y học phương Tây (Tây y) với nhiều tiến bộ cùng với lối sống xa rời thiên nhiên nên Đông y có phần mờ nhạt. Vì vậy mặc dù vẫn tồn tại, phát triển từng ngày nhưng phần lớn người Việt mình vẫn chưa hiểu đúng và rõ ràng về bệnh Đông y là gì, một số loại bệnh phổ biến?
1. Đông y là gì? bệnh đông y là gì? Một số loại bệnh phổ biến
Từ xưa, các nghiên cứu chỉ ra rằng Đông y xuất phát từ phương Đông. Ngày nay Đông y được sử dụng giống như y học cổ truyền để chỉ nền y học có nguồn gốc từ Việt Nam và Trung Quốc để phân biệt với Tây y.
Nền học cổ truyền, còn gọi nôm na là Đông y có nhiều bài thuốc được lưu truyền của các dân tộc, những phương pháp trị liệu như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt… cũng đã được chứng minh hiệu quả trong điều trị bệnh.
Có thể nói một trong những nét độc đáo nhất của Đông y là cách sử dụng thuốc. Đông y hầu như chỉ sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên, lý luận dược tính, hiệu quả của từng vị, phối hợp thành một bài thuốc hoàn chỉnh và luôn biện chứng dựa trên tình trạng từng bệnh nhân cụ thể.
Tuy nhiên nhiều người dân chưa có kiến thức trong áp dụng các phương pháp y học cổ truyền vào điều trị bệnh dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Đã có trường hợp, do cha mẹ không có kiến thức về sử dụng thuốc, khi con bị ho, bố mẹ cho trẻ dùng cả thuốc ho Đông y và Tây y. Chỉ sau vài ngày trẻ có hiện tượng quá liều do thuốc.

2. Các loại thuốc thường dùng trong Đông y là gì
Hiện nay, thuốc Đông y thường dùng gồm 5 loại: Thang, tán, cao, hoàn, đan. Trong đó, 4 loại tán, cao, hoàn, đan là thuốc đã được bào chế sẵn, có loại mang tên là hoàn tán nhưng thực tế được ứng dụng như thuốc thang.
2.1 Thuốc thang
Cách bào chế: Đem vị thuốc đun với nước để tạo thành thuốc nước, bỏ bã đi và uống khi còn nóng.
Ưu điểm: Dễ gia giảm liều lượng và hợp với nhiều tình trạng bệnh nên đa phần các loại thuốc này thường được dùng nhiều nhất.
Nhược điểm: Tuy nhiên, loại thuốc này có nhược điểm là cồng kềnh, mất thời gian và công sắc thuốc, có khi lượng thuốc nhiều đối với trẻ em sẽ khó uống.
2.2 Thuốc Đông y dạng tán
Cách bào chế: Đem vị thuốc tán thật nhỏ thành bột mịn, sau đó trộn với nước mật hoặc hồ viên thành hoàn. Thuốc tán có thể được dùng bằng cách tiêu với nước nóng hoặc đun sắc lên uống (giống như thuốc thang).
Ưu điểm: Thuốc tán cũng có tác dụng khá tốt, không bị mất dược tính.
Nhược điểm: Không tiện khi sử dụng, ngoài ra lại khó bảo quản hơn thuốc hoàn. Bên cạnh đó, loại thuốc này còn được dùng bên ngoài bằng cách đem vị thuốc tán nhỏ sau đó xoa hoặc đắp lên chỗ đau.
2.3 Thuốc dạng cao
Đây là dạng thuốc được sắc lấy nước, sau đó cô đặc thành cao. Thuốc tán được chia làm 2 loại là dùng ngoài và uống trong.
Thuốc cao uống trong: Ưu điểm là tận dụng được hết dược tính của thuốc, mùi vị thơm dễ uống. Dùng để trị bổ, chữa bệnh mạn tính, điều lý là thích hợp. Tuy nhiên loại thuốc này lại không để lâu được, chủ yếu dùng trong mùa đông.
Thuốc cao dùng ngoài: Gồm hai loại là dầu cao và thuốc cao.
2.4 Thuốc hoàn (dạng viên)
Cách bào chế: Tán bột mịn dùng, sau đó trộn với nước mật hoặc hồ để viên thành hoàn.
Ưu điểm: Sử dụng thuận tiện
Nhược điểm: Hấp thu chậm do trong thuốc có cả bã, thường dùng chữa bệnh thư hoãn. Ngoài ra thuốc để lâu khó bảo quản, liều lượng có khi phải dùng nhiều, khó uống với trẻ nhỏ.
2.5 Thuốc đan (đơn)
Đây là thuốc hoàn hoặc tán, nhưng được tinh chế như các loại Hồi xuân đơn, Chí bảo đơn, Tử tuyết đơn, Thần tê đan, Cam lộ tiêu độc đan,… Loại thuốc này có các dạng: Hoàn, tán, khoai (cục), có thể dùng ngoài hoặc uống trong đều được.
3. Một số bệnh có thể điều trị hiệu quả bằng Đông y
3.1 Chữa ngủ ngáy bằng Đông y là gì
Ngủ ngáy là tật phát ra âm thanh qua đường thở khi ngủ, do không khí được đưa đến sau họng và phải đi qua một đoạn hẹp, tạo ra một áp lực âm. Việc ngủ ngáy không chỉ gây khó chịu cho những người xung quanh khi ngủ cùng, mà nó còn thể hiện những điều rất đáng lo ngại về sức khỏe của người ngủ ngáy.
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân của ngủ ngáy là do sự bế tắc của đường hô hấp trên bởi mắc bệnh dị ứng, amidan quá to, viêm mũi, viêm họng gây nên. Để chữa trị chứng bệnh này cần phải thông huyết, tiêu viêm.
3.2 Chữa viêm amidan bằng Đông y
Viêm amidan có 2 loại: cấp tính và mạn tính. Đông y gọi viêm amidan là nhũ nga. Nguyên nhân do ăn uống, sinh hoạt không giữ gìn, nóng lạnh đột ngột hoặc phong tà, hàn tà, dịch độc thời khí xâm phạm vào hầu họng gây viêm.
Viêm amidan cấp tính được chia làm: thể nhẹ và thể nặng
Thể nhẹ
Người bệnh có biểu hiện sốt, nhức đầu, amidan sưng đỏ, họng đau, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoạt sác. Phương pháp chữa là sơ phong, thanh nhiệt, tân lương giải biểu.
Thể nặng
Người bệnh có biểu hiện sốt cao, miệng khô, tuyến amidan sưng to, loét hoặc hóa mủ, họng đau nhiều, không dám ăn, hạch nổi ở dưới hàm, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo, rêu lưỡi vàng dày, mạch sác hữu lực. Phương pháp chữa là thanh nhiệt giải độc ở phế vị, hoạt huyết, bài nùng (trừ mủ).
Viêm amidan mạn tính
Người bệnh có biểu hiện amidan hay tái phát, miệng khô hơi đau, hôi; ho khan, sốt nhẹ, người yếu mệt mỏi, chân tay đau mỏi, tiểu tiện vàng ít…, mạch hư nhược.
3.3 Chữa bệnh trĩ bằng Đông y
Phương pháp điều trị bệnh trĩ bằng Đông – Tây y kết hợp mang lại cơ hội điều trị bệnh trĩ không phải phẫu thuật, giảm đau đớn cho các bệnh nhân, ít gây biến chứng.
Phương pháp sử dụng thuốc tiêm PG-60 trực tiếp vào búi trĩ làm teo, co nhỏ lại. Đồng thời kết hợp với các bài thuốc y học cổ truyền làm búi trĩ co lên, tăng cường bảo vệ thành mạch, kết hợp nhuận trường.
Đặc biệt, với phương pháp này có thể điều trị bệnh trĩ từ độ 1 đến độ 3. Thời gian điều trị ngắn, thông thường bệnh trĩ ở mức độ nhẹ, độ 1 chỉ mất từ 1-2 tuần là khỏi, dài nhất từ 3-4 tuần. Trong thời gian điều trị, bệnh nhân vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường mà không phải nằm điều trị tại bệnh viện.

4. Dùng thuốc đông y như thế nào để có hiệu quả cao?
Theo lương y Lê Văn Cảnh, khi dùng thuốc đông y để có được hiệu quả cao, mang lại được tác dụng tốt cần phải tuân thủ đúng các nguyên tắc, thực hiện đúng các bước, từ việc sắc thuốc đến việc uống, sử dụng đúng liều lượng, dùng đúng với thể trạng bệnh của từng người.
4.1 Cách sắc thuốc đúng cách
Cách sắc thuốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tác dụng của các dược liệu trong bài thuốc đông y. Thông thường, 1 thang thuốc đông y sẽ dùng cho 1 ngày, nếu là thuốc dùng để chữa bệnh thì sắc 2 lần, thuốc bổ sắc 3-4 lần. Tùy vào thể trạng của từng người mà khi bốc thuốc thì thầy thuốc sẽ có những hướng dẫn riêng.
Cho dù 1 thang thuốc sắc bao nhiêu lần nhưng phần nước sắc sau mỗi lần nên đổ lẫn vào nhau sau đó chia ra các bữa để uống vì việc hòa chung lại giúp cho dược tính của thuốc được chia điều do thuốc sắc lần 1 bao giờ cũng đặc hơn thuốc sắc ở các lần 2, 3, 4,… Nước dùng để sắc thuốc phải sử dụng nguồn nước sạch, nếu dùng nước tinh khiết thì càng tốt.
4.2 Cách uống thuốc theo thang
Khi uống phải để nước thuốc ấm, không để quá nóng hoặc để nguội lạnh. Khi nhiệt độ của thuốc với nhiệt độ cơ thể không quá chênh lệch thì khả năng hấp thụ của cơ thể và tác dụng của thuốc cũng nhanh hơn, đồng thời cũng không gây ra tình trạng đầy bụng khi uống thuốc.
Thời gian uống thuốc thực hiện theo hướng dẫn của thấy thuốc, thông thường sẽ uống vào lúc bụng nửa đói nửa no, tránh khi ăn no mới uống thì sẽ gây đầy bụng. Đối với các bài thuốc đông y dùng để điều trị các bệnh về tiêu hóa thì nên uống vào lúc đói.
Khoảng cách giữa các lần uống thuốc từ 4-8 giờ. Nếu ngày uống 3 lần thì mỗi lần uống cách nhau 4 giờ, ngày uống 2 lần thì mỗi lần uống cách nhau 8 giờ.
4.3 Ấm sắc thuốc
Khi sắc thuốc nên sử dụng loại ấm đất nung hoặc ấm sức, không nên dùng ấm nhôm hoặc ấm bằng kim loại để sắc. Bởi các vị dược liệu trong thang thuốc có rất nhiều hoạt chất hữu cơ dễ phản ứng với kim loại, có thể làm phân hủy, biến đổi hoặc gây độc ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
4.4 Kiêng kị khi đang uống thuốc
Việc kiêng kị sẽ giúp cho tác dụng của bài thuốc đông y tốt hơn, đảm bảo được hiệu quả với người sử dụng. Việc kiêng các loại thức ăn nào phụ thuộc vào từng bài thuốc, tuy nhiên có một số loại thực phẩm khi uống bất kỳ loại thuốc gì cũng cần phải kiêng như đậu xanh, rau muống,….
4.5 Lưu ý khi sử dụng thuốc trong chữa bệnh Đông y là gì
Thuốc Đông y để đạt được hiệu quả đòi hỏi người bệnh cần kiên trì tuân theo sự chỉ dẫn của bác sỹ Đông y, kiên trì sắc thuốc uống hoặc đắp thuốc đều đặn. Trong Đông y có loại thuốc sắc nước uống, có loại lại sử dụng bôi đắp ngoài da vì vậy cần sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sỹ Đông y. Cần tìm đến các bệnh viện, phòng khám Đông y uy tín.
Thời gian sử dụng thuốc cũng tùy vào tình trạng của người bệnh, không nên sử dụng thuốc Đông y quá liều. Không nên tùy tiện sử dụng thuốc Đông y và Tây y cùng một lúc sẽ dẫn tới tình trạng công thuốc, nguy hại đến sức khỏe và tính mạng.
